Feeds:
Bài viết
Bình luận

                          toelf                                                                            “Mình có thể làm được bằng TOEFL ITP (bằng nội bộ) với số điểm từ 400 trở lên dành cho những bạn có nhu cầu học cao học, đi du học theo đề án 322, nghiên cứu sinh hoặc đi học tại các trường quốc tế tại Việt Nam. Đảm báo bằng thật 100%…” – Lời quảng cáo này được đăng tải trên khá nhiều các trang web trong thời gian gần đây khiến nhiều người sửng sốt

Đi mua…bằng quốc tế

Đóng vai một sinh viên năm thứ nhất, đang cạnh tranh giành một suất học bổng 322 của Bộ GD với 2 cậu bạn cùng lớp nên cần có chứng chỉ TOEFL ITP để tạo lợi thế, PV SVVN đã gọi điện đến số điện thoại đăng kèm trên lời quảng cáo rao bán bằng TOEFL ITP. Trả lời điện thoại là một câu thanh niên còn rất trẻ (sinh năm 1987) tên là T.A. T.A cho biết đã làm công việc này khá lâu, trước đây thường bán bằng ngoại ngữ A, B, C còn bây giờ chủ yếu là nhận làm bằng TOEFL vì “những bằng như A, B, C bây giờ làm rẻ lắm, có vài trăm nghìn/bằng nên làm cũng chẳng bõ”.

Với nhu cầu là đang cạnh tranh học bổng 322 để đi Mỹ, T.A khuyên nên “mua” bằng với số điểm là 500 – 550 với mức giá là 12,5 triệu đồng. Giá một tấm bằng TOEFL không chỉ phụ thuộc vào số điểm mà người mua đặt ra mà còn phụ thuộc vào số tuổi của người mua. Nếu người mua tuổi càng lớn thì giá của tấm bằng sẽ càng cao. Giải thích về điều này, T.A đưa ra rất nhiều lý do như: lớn tuổi thì khả năng học tiếng Anh kém nên nếu thi điểm cao quá sẽ dễ bị nghi ngờ, khó tìm người đến làm bài thi hộ,…Thêm nữa, nếu là nữ thì giá mua bằng cũng cao hơn một chút và lý do cũng là “khó tìm người đi thi hộ”.

Quá trình mua bán sẽ bắt đầu nếu người mua đặt trước 5 triệu đồng và giao chứng minh thư nhân dân để làm bằng. Khi giao tiền, sẽ viết một giấy vay nợ, coi như phía người bán vay của người mua 5 triệu đồng. Khi nào có bằng, T.A sẽ chủ động liên lạc lại, hai bên sẽ gặp nhau để nhận bằng và giao nộp số tiền còn lại, đồng thời người bán sẽ hủy chứng minh thư đã nhận của người mua, còn người mua sẽ phải đến cơ quan công an trình báo là mất chứng minh thư để làm chứng minh thư mới.

Như để tạo sự tin tưởng hơn, T.A còn khẳng định đây là bằng thật 100% nhưng chỉ có điểm là giả và đây là bằng do ETS cung cấp. Nếu người mua không tin, khi có bằng thì có thể đến C9 Giảng Võ để trực tiếp lấy bằng và kiểm tra. Như vậy có thể nói rằng tấm bằng TOEFL mà T.A đang rao bán là do IIE Việt Nam cung cấp?

Hỏi thêm về giá bán của bằng TOEIC và IELTS, T.A cho biết: do TOEIC có giá trị xin việc, còn IELTS thì quản lý quá chặt chẽ nên giá bán của nó cao hơn rất nhiều so với bằng TOEFL. Và cũng vì lý do đó mà hiện nay T.A không còn bán 2 loại bằng này nữa.

 

Tìm lại “chuẩn quốc tế”

IIE có mặt tại Việt Nam từ năm 1997, còn IIG mới vào Việt Nam từ năm 2000 và được Bộ GD cho phép cấp bằng TOEFL từ tháng 1/2006. Như vậy là trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2006, IIE trở thành nơi độc quyền cấp bằng TOEFL tại Việt Nam trong suốt 10 năm và đã cấp hàng trăm chứng chỉ TOEFL cho sinh viên Việt Nam.

Trong khi đó, theo đề án 322 của Bộ GD&ĐT có ghi: Trường hợp có chứng chỉ TOEFL 550 điểm hoặc 6.0 IELTS và còn thời hạn giá trị không phải dự kiểm tra tiếng Anh (chứng chỉ TOEFL quốc tế hoặc TOEFL nội bộ do Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ IIE cấp). Lật lại chi tiết mà T.A cho hay: bằng TOEFL ITP mà cậu đang rao bán là do IIE Việt Nam cấp khiến nhiều người đặt ra những nghi vấn về khả năng ngoại ngữ của sinh viên nhận học bổng 322 và liệu khâu chọn lọc hồ sơ của Bộ có thực sự nghiêm ngặt?.

Khi được biết thông tin này, cục đào tạo với nước ngoài (đơn vị điều hành đề án 322) tỏ ra khá bất ngờ và bức xúc. Ông Trương Duy Phúc (Phó cục trưởng cục đào tạo với nước ngoài – Bộ GD&ĐT) cho biết: “Nếu đúng theo như lời rao bán trên mạng đã nói thì đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng và cần có cơ quan điều tra vào cuộc, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả các vấn đề như kinh tế, chính trị…”

Cũng theo ông Phúc cho biết, từ khi đề án 322 ra đời cho đến nay (4/2000) chưa có trường hợp nào bị phát hiện là bằng TOEFL giả. Nếu Bộ GD&ĐT đồng ý xét duyệt hồ sơ của sinh viên nào thì giáo sư của trường đối tác sẽ sang Việt Nam và trực tiếp phỏng vấn sinh viên đó, nên đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam đi du học theo đề án 322 là thực lực. Năm 2007, trường hợp 18 sinh viên Việt Nam du học theo đề án 322 phải về nước là vì lý do sức khỏe như không hợp thời tiết, múi giờ…không có trường hợp nào là do ngoại ngữ yếu kém.

Hiện nay, dù Bộ GD&ĐT đang nỗ lực để một số trường ĐH như ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN được phép cấp chứng chỉ TOEFL nhưng hầu hết các trường đối tác vẫn chưa ưng thuận. Họ vẫn chuộm những chứng chỉ do các tổ chức quốc tế cung cấp bởi tính chất rộng rãi và mang “chuẩn quốc tế” hơn. Nhưng với tình trạng rao bán bằng cấp tràn lan như thế này, thì cũng khó có thể biết được thế nào là “chuẩn quốc tế”.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Testing Officer, Viện giáo dục quốc tế – IIE Việt Nam): “Bản thân chúng tôi rất bức xúc khi biết thông tin này. Suốt 9 năm IIE độc quyền cấp bằng TOEFL tại Việt Nam thì không có gì xảy ra, nhưng đến khi có IIG thì bắt đầu xuất hiện thông tin này, thậm chí còn chỉ đích danh là bằng này là do IIE cấp. TOEFL ITP là bằng nội bộ, được phép chấm điểm tại Việt Nam nhưng vì chấm bằng máy nên không thể có chuyện chạy điểm. Nhưng nếu đi thi hộ, thì rất khó vì chúng tôi chỉ có thể đối chiếu với thí sinh qua ảnh CTM, giấy phép lái xe thôi. Vì kiểm tra bằng mắt thường nên không thể nào là tuyệt đối. Hơn nữa hiện nay, tiền người ta còn làm giả được, nói gì đến các giấy tờ khác.

Đã có trường hợp một người đến đăng ký hộ nhiều người và khi chúng tôi gửi mail thông báo thì mail bị gửi lại vì đó là địa chỉ email “ma”. Nếu là một cơ quan đăng ký cho nhiều người thì chúng tôi thường có form sẵn, làm hóa đơn và tài khoản chuyển tiền một cách cẩn thận. Đến nay đã có 2 trường hợp như vậy xảy ra và chúng tôi đã tiến hành điều tra sự việc.

Về bài thi thì chúng tôi chỉ rà soát, kiểm tra lại về thí sinh khi có đơn vị nào đó yêu cầu. Còn những thông tin về thí sinh chúng tôi cũng không lưu giữ nhiều bởi giá trị của bằng TOEFL là có thời hạn (2 năm) nên có lưu giữ lâu cũng vô nghĩa”.

 

Tại Việt Nam hiện nay có 2 đơn vị được phép cấp chứng chỉ TOEFL là IIE Việt Nam (Viện giáo dục quốc tế) – một tổ chức phi lợi nhuận, có địa chỉ tại C9 Giảng Võ và IIG Việt Nam có văn phòng đặt tại 24 Nguyên Hồng. Hai đơn vị này đều là đại điện của ETS (Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ) tại Việt Nam.

 

DSC_0119Dựng lại hình ảnh cầu Long Biên trong quá khứ với đầy đủ những nhịp dẫn cầu còn ngay ngắn và thẳng tắp bằng ánh sáng laze là một ý tưởng sáng tạo của 3 chàng trai: Lại Thành Tín, Lê Anh Quyến và Đặng Ngọc Tú đến từ lớp 05K2, khoa Kiến Trúc, ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Ý tưởng đã được chấm giải nhất trong cuộc thi sáng tạo “Đánh thức không gian” do Hội đồng Anh và báo Thể thao văn hoá tổ chức.

1. Thông điệp từ quá khứ:

Năm học thứ nhất, Tín và Quyến thành lập một nhóm gồm 4 người chuyên đi “đánh giải”, săn lùng các cuộc thi về kiến trúc để thử sức và rèn luyện kỹ năng. Qua 4 năm học, nhóm đã tham gia khá nhiều các cuộc thi lớn nhỏ, trong đó có “festival sinh viên kiến trúc toàn quốc năm 2008”. Đó là lần đầulà lần tham dự đạt chiến thắng vang dội nhất khi cả hai giải thưởng lớn của cuộc thi đều thuộc về Tín và Quyến. Sau khi 2 thành viên tách thành một nhóm riêng thì Đặng Ngọc Tú thuộc thế hệ “đàn em”  – năm thứ 3 đã được kết nạp vào nhóm và “đánh thức không gian” có thể coi là lần “đánh trận” đầu tiên của cậu.

Chọn cầu Long Biên là một không gian để “đánh thức” không phải là một sự ngẫu nhiên. Trên thực tế thì ý tửơng “Cầu Long Biên – ngày và đêm” chỉ là một ví dụ chứng minh trong đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Ánh sáng trong khôi phục di sản kiến trúc” mà nhóm đang thực hiện do GS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục hướng dẫn. Cuộc thi phát động trùng khớp với thời gian nhóm đang gấp rút hoàn thành NCKH và cũng trùng khớp cả về đề tài nên mấy anh em đã mạnh dạn mang đi thi.

Sử dụng đèn chiếu cao áp và hệ gương cầu để tái tạo các nhịp cầu đã mất, hoặc dùng dây căng đèn bóng bọc nhựa để chăng lên thành các nhịp cầu. Khi toàn bộ hệ thống đèn được thắp sáng, cây cầu Long Biên trong quá khứ với đầy đủ 8 nhịp và 20 trụ đỡ cao 2 mét sẽ bừng sáng trên sông Hồng, bên cạnh nó là một đô thị hiện đại, sầm úât. “Cầu Long Biên trước kia đẹp như thế nào thì nay mình muốn những nhip cầu đã mất sẽ được hiện lên bằng ánh sáng và hệ thống laze lập thể. Mình muốn gửi đến mọi người môt thông điệp từ quá khứ. Một thông điệp nhẹ nhàng thôi nhưng chắc chắn sẽ rất sâu lắng và đầy lãng mạn”. Tú cho biết.

Tuy nhiên đã có ý kiến phê bình cho rằng: Sử dụng một số lượng bóng điện để thắp sáng 1862m cầu sẽ tiêu thụ một lượng điện đáng kể, trong khi đó cả thế giới đang kêu gọi tiết kiệm điện thì ý tưởng này liệu có khả thi và thiết thực?. Để phản biện và giải thích về điều này, Tín phân tích: “Trước hết, nếu nhìn dưới góc độ văn hoá thì hoạt động này sẽ giúp mọi người cảm nhận được phần hồn của cây cầu. Ban ngày, cây cầu là một phần xác còn lại từ những tàn dư, hậu quả của chiến tranh, thì ban đêm ánh đèn sẽ làm phần xác ấy trở nên có hồn hơn, một phần hồn lung linh và huyền ảo.  Có thể chọn giải pháp là sẽ chỉ thắp đèn vào thứ 7 và chủ nhật mà thôi”.

2. Tình yêu từ cảm nhận Hà Nội về đêm:

Quyến hiện đang bận rộn với cương vị chủ tịch Hội sinh viên kiến trúc Việt Nam, Tú yêu thích và đang làm công việc là một kiến trúc sư về mảng di sản văn hoá. Còn Tín thì chọn những công trình hiện đại để theo đuổi. Mỗi người có một chí hướng và mục tiêu riêng, nhưng ở họ có một điểm chung là tình yêu đối với Hà Nội – thành phố mà họ đang sống, học tập và trưởng thành. Nghề kiến trúc đòi hỏi sự sáng tạo cao, nên công việc có khi thường vẫn tiếp tục trong cả những phút giây tụ tập bạn bè. Những buổi đêm mấy anh em cùng nhau đi dạo hoặc ngồi uống bia, trò chuyện trên cầu rồi lặng ngắm Hà Nội về đêm đã khơi gợi cho nhóm nhiều ý tưởng cũng như tình yêu đối với Hà Nội, với những nét trầm tích trên những di sản văn hoá của Hà Nội. “Mấy anh em mình thường hay nói trêu nhau rằng: Hà Nội về đêm đẹp như một người phụ nữ, nhưng chỉ thấy được từng phẩn mà không thấy được phần nếp” – Tín hài hước chia sẻ.

Một vài năm gần đây, cầu Long Biên thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người trẻ. Có những người tìm đến cây cầu vì không gian của nó đẹp và lãng mạn, có những người tìm đến cây cầu vì những giá trị lịch sử và văn hóa của nó.  Nhưng chắc có lẽ sẽ ít ai muốn lật lại những trang sách về lịch sử để tìm hiểu về cây cầu đặc biệt này, hay chỉ đơn giản là để ngắm nhìn cây cầu một cách trọn vẹn với đầy đủ các nhịp dẫn khi nó chưa bị chiến tranh tàn phá. Chọn con đường kiến trúc về di sản văn hoá nên Tú đã chia sẻ: “Cầu Long Biên hiện nay đã không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu vì nó đã phải gồng mình trước sự tàn phá của 2 cuộc kháng chiến ác liệt. Vì thế có thể coi là một nhân chứng của lịch sử. Có một dự án của Pháp đã cấp cho Việt Nam 600 triệu euro để khôi phục lại những nhịp cầu đã mất và hư hỏng nặng. Nhưng nhiều người đã cho rằng: nếu thế thì xây hẳn 1 cây cầu mới thì sẽ an toàn và đẹp hơn. Nhưng mình thực sự không đồng tình với ý kiến này. Phá bỏ cây cầu thì đâu còn là một nét trầm tích của văn hoá nữa”

Hơn thế nữa, với người trẻ hiện nay không phải ai cũng có thể sống chậm lại để một lần ngắm nhìn cây cầu Long Biên mà họ thường hay nghe nhắc đến, không phải ai cũng có ý thức giữ gìn và làm đẹp thêm cho những di sản văn hoá vô giá đó. Chuyện về những dòng chữ viết lem luốc trên mỗi thành cầu không phải là câu chuyện riêng của cầu Long Biên và cũng không phải là câu chuyện của riêng giới trẻ Việt Nam. Tại một số nước trên thế giới, những di sản văn hoá vẫn thường xuyên bị vẽ bẩn do sự thiếu ý thức của khách đến thăm quan.

Bên cạnh đó, không phải người trẻ nào cũng có thể hiểu được những ý nghĩa, giá trị mà những di sản văn hoá mang lại. Nhiều bạn trẻ đến cầu Long Biên chỉ đơn giản là vì không gian đẹp, vì muốn tìm đến sự thoáng đãng sau những con phố ồm ào va bụi bặm. Có lẽ đã đến lúc cần phải làm một điều gì đó để giới trẻ hiểu rằng: Không phải những gì thuộc về quá khứ là cũ kỹ, là đáng bỏ đi. Hãy tôn trọng nó, coi những di sản đó là biểu tượng văn hoá của thành phố. “Bạn có thể làm bất kỳ điều gì có thể, tuỳ theo khả năng và tự tin thể hiện cái tôi của mình để nói rằng bạn yêu thành phố này – nơi bạn đang sống, đang làm việc, đang trưởng thành. Đó là điều mình  muốn chia sẻ với các bạn trẻ qua ý tưởng sáng tạo của nhóm mình” – Tín chia sẻ.

Hiện nay, ý tưởng “cầu Long Biên – ngày và đêm” đang được Hội đồng Anh xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi hiện thực hoá. Hy vọng trong một thời gian không lâu nữa, trên dòng sông Hồng, di sản văn hoá cầu Long Biên sẽ sống dậy, trở về từ quá khứ để toả sáng.